

Ảnh 1,2. ThS. BS. Hà Thanh Đạt và ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh thay mặt Ban tổ chức phát biểu khai mạc và cám ơn diễn giả trong buổi chuyên đề “Kỹ năng làm việc nhóm và xử lý xung đột cho sinh viên khối ngành
khoa học sức khỏe”
Đến tham dự sự kiện có sự có mặt của:
+ Đại diện CNF-AUF: ThS. Nguyễn Thị Hương;
+ Đại diện Phòng công tác sinh viên: ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh;
+ Đại diện Đoàn thanh niên – Hội sinh viên: Bí thư Đoàn trường - ThS. BS. Hà Thanh Đạt;
+ Cùng diễn giả là ThS. Nguyễn Phước Huyền Anh và gần 170 sinh viên đến từ các khoa của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ảnh 3. ThS. Nguyễn Phước Huyền Anh chia sẻ với sinh viên những ưu – khuyết khi làm việc nhóm
Buổi chuyên đề cho thấy một kỹ năng làm việc nhóm tốt giúp môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ, khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy hiệu suất làm việc của cả nhóm. Bằng cách tận dụng lợi thế và đóng góp của từng thành viên, kỹ năng làm việc nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu, thành công chung cho cả nhóm. Ngoài ra, làm việc nhóm không chỉ giúp nâng cao hiệu suất cho tập thể mà còn tạo cơ hội phát triển cá nhân cho từng thành viên.
Đối với sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, thì việc trang bị cho bản thân kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng làm việc nhóm và xử lý xung đột nói riêng, là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của mỗi cá nhân trong học tập và phát triển nghề nghiệp. Việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng không chỉ yêu cầu sự chính xác, tận tâm mà còn đòi hỏi một tinh thần phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân, các bộ phận liên quan đến từ sự sẻ chia, biết lắng nghe, thấu hiểu, làm chủ cảm xúc và cùng nhau đi đến tiếng nói chung. Đó chính là chìa khoá để xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh và hiệu quả.


Ảnh 4,5. Diễn giả giao tình huống để sinh viên thực hành làm việc nhóm
Diễn giả đã cho sinh viên lập nhóm, tự phân vai trò trong nhóm và đưa ra tình huống có thể gặp đối với sinh viên y tế: Sơ cứu cho một người bị tai nạn gãy chân. Thông qua trò chơi thực hành này, sinh viên có được trải nghiệm về sự phân công, phối hợp, trao đổi, lắng nghe, giải quyết những bất đồng ý kiến trong nhóm,… để cùng giúp cho người bị nạn. Từ đó, sinh viên học được rằng: nếu một nhóm nhân viên y tế không thể làm việc chung với nhau, hậu quả không chỉ dừng lại ở tổn thất về vật chất hoặc tinh thần cho nhóm, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ hay tính mạng của bệnh nhân.

Ảnh 6. Sinh viên mạnh dạn trao đổi những bài học thực tế của cá nhân trong những lần làm việc nhóm
Bên cạnh đó, khi có xung đột xảy ra, đối với đội ngũ nhân viên y tế, hãy nhớ đến lý tưởng nghề nghiệp của mình. Lúc bấy giờ, nền tảng để giải quyết những xung đột liên quan đến bệnh nhân chính là y đức và lời thề Hippocrates.

Ảnh 7. Diễn giả chia sẻ 05 phong cách xử lý xung đột trong làm việc nhóm.
Nằm trong chuỗi các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên năm 2025 của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chuyên đề “Kỹ năng làm việc nhóm và xử lý xung đột cho sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe” giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những kỹ năng quan trọng khi làm việc nhóm, cũng như cách thức nhận diện, tiếp cận và giải quyết xung đột, bất đồng một cách thông minh, hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và xây dựng một môi trường học tập, làm việc tích cực.


Ảnh 8,9. Buổi chuyên đề đã nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên của trường
ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh (P.CTSV)